Phân tích Trận Tương Dương-Phàn Thành (219)

Chiến dịch đánh Tương-Phàn thất bại nặng nề, tuy phe Tào Ngụy làm thất bại ý định đánh chiếm trọng điểm này của Quan Vũ cuối cùng thắng trận, nhưng đã dừng binh không tiến mà giữ nguyên bờ cõi; thiệt hại của phe Lưu Bị đến từ sự lợi dụng của Đông Ngô, cụ thể là Lã MôngLục Tốn, để đánh chiếm Kinh châu. Kinh châu mất khiến chiến lược đánh Thục Hán từ hai đường (Kinh châu và Ích châu) mà Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng đã vạch ra từ đầu bị tổn thất lớn[16][17].

Từ ý nghĩa tai hại cho phe Thục Hán của việc mất Kinh châu, các sử gia bàn luận nhiều về chiến dịch Tương Dương-Phàn Thành và coi đó là nguyên nhân trực tiếp của việc mất Kinh châu, do đó đặt ra vấn đề vì sao cần phát động chiến dịch này và có nên phát động chiến dịch này hay không[18].

Sử gia Lã Tư Miễn cho rằng chiến dịch này nhằm phối hợp với chiến dịch đánh chiếm Hán Trung của Lưu Bị. Tuy nhiên, ý kiến phản bác căn cứ theo thời gian cho rằng điều này chưa chính xác: Lưu Bị động binh đánh Hán Trung từ cuối năm 218, chém Hạ Hầu Uyên tháng 1 năm 219 và Tào Tháo bại trận trở về Trường An vào tháng 5; nếu Quan Vũ muốn phối hợp cần ra tay cùng lúc, không thể đợi tới tận tháng 7 năm 219 như trong thực tế. Do đó, việc đánh Tương-Phàn của Quan Vũ, nói một cách tích cực là "thừa thắng tiến công", nói một cách tiêu cực là "tham lam không biết lượng sức"[18].

Với quan điểm đó, sử gia Hà Tư Hoàn cho rằng chiến dịch này là "mạo hiểm về quân sự, không đúng thời cơ", bởi vì: Lưu Bị mới chiếm xong Ích châu (gồm cả Hán Trung cũng nằm trong đó) cần ổn định lòng dân và dưỡng sức, Quan Vũ ra quân muộn, không hề đúng với chiến thuật kẹp từ hai đường mà Gia Cát Lượng đề xướng[19]. Quân của Quan Vũ tuy có tiếng hùng mạnh nhưng thực ra vùng lãnh thổ mà ông quản lý đã bị thu hẹp từ năm 215, nhân lực vật lực có hạn, nếu không có trận lũ thì chưa chắc đã diệt được đạo quân của Vu CấmBàng Đức[19].

Theo sử gia Hoàng Ân Đồng, Quan Vũ ra quân vì mải mê chiến thắng, đánh giá sai tình hình, cho rằng có thể dễ dàng thắng tiếp Tào Tháo; còn tập đoàn Lưu Bị ở Ích châu không ra lệnh, cũng không ngăn cản, vì tâm lý vừa thắng ở Hán Trung, không lường được thất bại lớn, để mặc cho Quan Vũ hành động[20].

Vấn đề đặt ra cuối cùng: Lưu Bị không điều quân tiếp ứng cho Quan Vũ, được các sử gia lý giải vì trong Ích châu không ngờ tới điều này[21]. Quan Vũ liên tiếp thắng trận, nhiều địa phương phía bắc đã phản Tào hàng Quan Vũ. Ngay cả khi nhận được thư báo của Tào Tháo về việc Tôn Quyền sẽ đánh úp Kinh châu, Quan Vũ vẫn không có ý định rời bỏ Tương-Phàn, nghĩa là ông vẫn không tin rằng mình sẽ bại trận; phía Lưu Bị ở Ích châu toàn nghe tin chiến thắng. Từ đó tới khi Quan Vũ bị Từ Hoảng đánh bại và chạy về Mạch Thành diễn biến quá mau chóng, Lưu Bị biết tin cũng không thể cứu ứng kịp nữa[22].

Các sử gia cùng thống nhất: phát động chiến dịch Tương-Phàn trong thời điểm và hoàn cảnh mà Quan Vũ đã làm là sai lầm[20], thất bại này Quan Vũ trực tiếp chịu trách nhiệm, Lưu Bị chịu trách nhiệm của người lãnh đạo, còn Gia Cát Lượng không phải chịu trách nhiệm[22].